DINH DƯỠNG CHO TÔM NUÔI GIAI ĐOẠN TÔM LỘT XÁC

Cách chăm sóc Tôm giai đoạn lột xác hay còn gọi là tôm lột vỏ; đây là quá trình thay đổi lớp vỏ để nâng cao kích thước và trọng lượng của tôm. Hoạt động lột xác của tôm phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố dinh dưỡng cũng như các chỉ số môi trường nước. Nếu tôm đầy đủ dinh dưỡng sẽ lột vỏ theo đúng chu trình, nếu cho ăn thức ăn thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ lột vỏ của tôm sẽ kém.


Khi tôm loại bỏ lớp vỏ cũ và hình thành một vỏ mới, nó không chỉ tăng trưởng mà còn giúp tôm loại bỏ các vết sẹo, vết thương, tạp chất, vi khuẩn cũng như kí sinh trùng trên vỏ tôm và các bộ phận khác như chân, râu.  Nó sau đó có một cơ thể mới và hoàn hảo. Đó là một phần chọn lọc tự nhiên, để chọn ra con tôm tốt nhất và loại bỏ những con tôm yếu.

QUÁ TRÌNH TÔM LỘT XÁC

Quá trình lột xác của tôm có thể chia ra làm 4 giai đoạn:

➖ Giai đoạn sau lột xác: Là giai đoạn xảy ra ngay sau khi lột xác (lột bỏ lớp vỏ ngoài).

➖ Giữa giai đoạn lột xác: Trong quá trình này lớp vỏ tôm trở nên mạnh hơn nhiều thông qua quá trình lắng đọng khoáng chất và protein. Khối lượng cũng như trọng lượng của toàn bộ tôm sẽ tăng 3 - 4% trong giai đoạn này.

➖ Giai đoạn tiền lột xác xảy ra ngay trước khi lột bỏ lớp vỏ ngoài, và được đặc trưng bởi sự tách rời của vỏ cũ khỏi lớp biểu bì bên dưới. Lớp vỏ cũ được tái hấp thu một phần, và dự trữ năng lượng được huy động từ tuyến ruột giữa. Giai đoạn tiền lột xác bắt đầu với sự gia tăng nồng độ hormone lột xáctrong bạch cầu.

Giai đoạn lột xác chỉ kéo dài vài phút. Nó bắt đầu với việc mở lớp vỏ cũ ở ngã ba của giáp đầu ngực và bụng trong các loài giáp xác mười chân, sau đó tôm sẽ thoát ra từ vị trí hở của vỏ và giai đoạn hoàn thành khi con vật thoát khỏi lớp vỏ cũ của nó.

NHU CẦU DINH DƯỠNG CHO TÔM NUÔI GIAI ĐOẠN TÔM LỘT XÁC

Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm bị còi cọc và khó lột xác. Bởi khi đó tôm không được cung cấp đủ chất cần thiết để có thể đẩy lớp vỏ cũ. Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào trình bày chi tiết về nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn cụ thể của quá trình lột xác ở tôm.

Tuy nhiên, để cho tôm lột xác được đồng loạt, người nuôi được khuyến cáo tập trung vào hai yếu tố chính là dinh dưỡng và khoáng chất trong thức ăn và môi trường nước.

Protein

TÔM THẺ CHÂN TRẮNG có nhu cầu protein thấp hơn như tôm sú. Nhu cầu protein trong thức ăn của tôm thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng của tôm được thể hiện ở bảng 1.

Hydratcarbon

Ở giáp xác có nhiều men tiêu hóa hydratcarbon như: amylaza, maltaza, kitinaza, cellulaza nhờ đó chúng có thể tiêu hóa thức ăn thành phần như rong tảo.

Tuy nhiên, tôm có ruột, dạ dày ngắn nên khả năng tiêu hóa chất xơ kém. Vì vậy, hàm lượng chất xơ bổ sung vào thức ăn tôm hợp lý là khoảng 4 - 5%, thường là từ nguồn bột cỏ hoặc rong biển.

Lipid

Lipid có vai trò cung cấp năng lượng, cung cấp các axit béo thiết yếu, hoạt hóa và cấu thành các enzyme, tham gia vào xây dựng cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ hấp thu các Vitamin A, D, E, K và một số chất khác.

Lipid cũng là tiền chất cho quá trình chuyển hóa, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và lột xác ở tôm, nâng cao hệ miễn dịch trong tôm. Ngoài ra, lipid còn tạo độ ngon cho thức ăn. Do tôm không có muối mật và axit mật nên hạn chế việc tiêu hóa lipid. Vì vậy, hàm lượng lipid trong thức ăn chăn nuôi luôn đảm bảo dưới 10%.

Vitamin

Nhóm vitamin B, C và E là cần thiết bổ sung vào thức ăn. Vitamin nhóm D, C khi dùng với số lượng nhiều cho phản ứng ngược dẫn đến dịch bệnh. Vitamin A và K là rất cần thiết trong thành phần thức ăn tôm.

Khoáng chất

Tôm có thể hấp thu trực tiếp khoáng qua mang từ môi trường nước. Vì vậy, nhu cầu khoáng cho tôm phụ thuộc vào khoáng môi trường sống của tôm. Nhu cầu khoáng của TÔM THẺ CHÂN TRẮNG cao hơn tôm sú do chu kỳ lột xác nhanh hơn.

Chất khoáng hòa tan có trong ao là yếu tố quan trọng giúp tôm lột xác đồng đều và tái tạo nhanh lớp vỏ mới. Thực tế cho thấy những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan càng cao và ngược lại.

Bên cạnh đó, đối với ao nuôi mật độ dày khi tôm lột xác đồng loạt, khoáng chất trong môi trường giảm đột ngột. Nhưng khoáng chất lại là yếu tố không thể thiếu cho tảo. Vì thế, nếu ao nuôi có tảo dày, nguy cơ tảo tàn đột ngột từ 1 - 3 ngày sau khi tôm lột đồng loạt sẽ làm môi trường nuôi trở nên xấu đi nhanh chóng và có thể làm tôm nhiễm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và khí độc.

Do vậy, tùy thuộc vào đặc điểm từng ao người nuôi cần phải bổ sung khoáng đầy đủ trước, trong và sau khi lột xác để tôm lột nhanh chóng cứng vỏ.

Khoáng sử dụng trong nuôi tôm có 2 dạng: Khoáng đa lượng và khoáng vi lượng. Khoáng đa lượng bao gồm các khoáng chất được cung cấp dưới dạng các hợp chất như MgSO4, CaCl2, MgCl2 hoặc vôi, muối ăn,... Loại này được sử dụng để đánh trực tiếp vào nước. Khoáng vi lượng bao gồm: Fe, Mn, Cu, Zn, I, Co, Cs, Ni, Se, F, Mo, Sn, Cr, Sr, V và Si, phối trộn ở dạng bột hoặc nước dùng để trộn với thức ăn.

 

Loài

Kích cỡ tôm (g)

Yêu cầu protein trong thức ăn (%)

Tôm sú

< 5

45

5-10

42-45

> 10

40-42

Tôm thẻ chân trắng

< 3

40

3-8

38

> 8

35-38

Bảng 1. Nhu cầu protein khuyến cáo cho thức ăn tôm

CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ TÔM NUÔI GIAI ĐOẠN TÔM LỘT XÁC

Thường xuyên kiểm tra giai đoạn lột xác của tôm trong ao, thông qua các dấu hiệu trên tôm. Tôm trước khi lột thường có cơ thịt chắc, vỏ nhợt nhạt nhưng chắc chắn. Vỏ cũng giòn hơn bình thường.

Ghi nhật ký các đợt lột xác của tôm trong ao nuôi để giúp dự đoán tốt hơn cho đợt lột xác sau đó. Điều chỉnh lượng thức ăn cho ăn phù hợp tùy thuộc vào giai đoạn lột xác của tôm, thông thường tôm sẽ ăn ít trong giai đoạn lột xác và đảm bảo thức ăn đầy đủ và đảm bảo dinh dưỡng trước mỗi kỳ lột xác để tôm có thể tích lũy đủ dưỡng chất cho quá trình lột xác. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần đảm bảo các yếu tố về môi trường nuôi.

Bình chọn tin tức

Bình chọn tin tức: (5.0 / 1 đánh giá)

Top

   (0) Zalo